Trải nghiệm chuyến thăm Thái Lan của nhóm giải Nhì Bim Archicad 2018

Ngày 04/09/2018

>> Sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM đạt giải Nhất ARCHICAD BIM 2018

>> Nhóm SV giải ARCHICAD BIM thăm quan thực tế tại Nhật Bản

HHD Sloping light (Nguyễn Văn Hiếu, Ngô Văn Huân, Trần Anh Duy  - sinh viên Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh) – là nhóm đạt giải Nhì cuộc thi Bim Archicad 2018 với phần thưởng là chuyến du lịch Thailand - Bangkok. Các thành viên của nhóm có những chia sẻ về trải nghiệm - đặc biệt là những ghi nhận về kiến trúc - quy hoạch - nội thất... trên đất Thái.


Nhóm HHD nhận giải Nhì chung kết Bim Archicad 2018 vào ngày 22/6/2018

Chuyến đi với chúng tôi không chỉ là những trải nghiệm du lịch đơn thuần mà còn là một cơ hội khám phá, mở mang tầm nhìn, từ góc độ thông thường của việc nhìn ngắm con người, cuộc sống ở một nơi xa, đến những học hỏi về kiến trúc. Lịch trình hai ngày đầu chủ yếu tập trung trong khu vực nội thành, phố cổ, những di tích chùa chiền Phật giáo Thái Lan, Hoàng cung. Hai ngày tiếp theo tham quan các công trình kiến trúc hiện đại, bao gồm các khu vực trung tâm thương mại, các bảo tàng.

NGÀY THỨ NHẤT

Hành trình bắt đầu bằng chuyến bay rời Sài Gòn đã được đặt sẵn bởi ban tổ chức cuộc thi Bim Archicad 2018. Điểm hạ cánh là Suvarnabhumi -  sân bay quốc tế sầm uất, đông khách du lịch nhất Bangkok. Buổi chiều, theo địa chỉ khách Nhà tài trợ book sẵn, chúng tôi có mặt tại The printing house poshtel - khách sạn xinh xắn nằm ngay trong trung tâm Bangkok, ổn định, chuẩn bị cho chuyến đi.

Chợ cuối tuần Chatuchak

Chatuchak, trong tiếng Thái có nghĩa là chợ cuối tuần, chỉ mở cửa vào thứ bảy và chủ nhật. Chợ được xây dựng từ thập niên 40 của thế kỷ trước, sau nhiều thăng trầm, khu chợ di chuyển về trên khu đất rộng hơn 1 km² với 9000 cửa hàng, trung tâm thủ đô Bangkok. Chatuchak thực sự là thiên đường mua sắm vào dịp cuối tuần cho những ai đặt chân tới Bangkok. Di chuyển đến chợ bằng hệ thống tàu điện trên cao BTS, ngoài những ấn tượng đầu tiên về sự đông đúc của dòng khách du lịch đổ về đây, chúng tôi còn cảm thấy được sự hiếu khách và thân thiện của những người chủ cửa hàng bản địa.

Khu phố Tây Khaosan

Địa điểm thứ hai trong hành trình là phố Tây Khaosan. Giống như Bùi Viện hay Tạ Hiện ở TP. Hồ Chí Minh, Khaosan là một khu phố đi bộ sầm uất, tập trung rất đông du khách quốc tế. Chúng tôi đến đây khi trời đã khá tối, Khaosan bắt đầu trở nên tấp nập. Các âm thanh hàng quán ven đường, tiếng rao, tiếng nói chuyện... đủ các ngôn ngữ, người Âu, người Á, âm nhạc của các quán bar, tất cả tạo cho chúng tôi những ấn tượng rất đặc biệt.

NGÀY THỨ HAI

Ngày thứ hai được kế hoạch để tham quan tất các các di tích chùa chiền Phật giáo và cung điện ở nội thành Bangkok. Phật giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội người Thái, với đến 95% người dân Xứ chùa vàng theo đạo Phật. Chùa chiền do đó cũng cực kỳ thu hút không chỉ đối với người Thái mà còn với du khách. Chính vì vậy, chùa Wat Pho, Wat Arun, Golden Mount hay Wat Pheakeaw chính là những điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến đi lần này.

Wat Pho

Ngày thứ hai bắt đầu bằng chuyến tham quan chùa Wat Pho. Wat Pho là một quần thể chùa chiền Phật giáo Thái Lan rất rộng, với bộ sưu tập khổng lồ các pho tượng và còn là một trung tâm giáo dục về y học cổ truyền của Thái Lan. Điểm đầu tiên gây ấn tượng với chúng tôi là ngôi chùa trung tâm, với pho tương Phật bằng vàng trong tư thế niết bàn. Không gian nội thất của ngôi chùa rất lớn, nhưng cũng chỉ vừa đủ để bao lấy pho tượng Phật nằm. Tường, trần nội thất được phủ dày chi chít bởi các họa tiết trang trí dường như được lấy ra từ trong các câu chuyện Phật giáo. Ngoài ngôi chùa ở trung tâm, còn có các khu vực khác, những tháp Phật cao vút khảm gạch sứ, những dãy tượng Phật được dát vàng.

Đồng hành cùng chúng tôi trong buổi sáng hôm đó còn có hai nam kiến trúc sư người Thái, rất thân thiện. Chúng tôi trao đổi nhiều câu chuyện thú vị và ký họa một số góc của ngôi chùa.

Grand Palace

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là cung điện hoàng gia Thái Lan - Grand Palace. Được xây dựng từ thế kỉ XVIII, trong suốt 150 năm là nhà của Vua và triều đình Thái Lan, khu hành chính của chính phủ. Cung điện được chia thành hai khu, một là hoàng cung Thái Lan, hai là đền Phật Ngọc.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về điểm đến này là sự đồ sộ của một loạt những công trình kiến trúc bên trong. Kiến trúc trong khu vực Wat Pheakeaw dường như có sự ảnh hưởng và giao thoa của Phật giáo Thái Lan, Ấn giáo và văn hóa bản địa Thái. Bên trong, chúng tôi bắt gặp các công trình kiến trúc chùa chiền, tháp Phật với hình dáng của stupa dát vàng khủng lồ, hoặc những thư viện có hình thức mái Thái nhiều lớp rất đặc trưng. Ngôi đền trung tâm (Phra Ubosoth) được tương truyền là nơi linh thiêng nhất.

Không gian nội thất của ngôi đền nổi bật nhất là toà tháp trung tâm với những pho tượng Phật dát vàng ngồi theo thứ bậc, vị trí cao nhất là The Emarald Buddha. Ngoài ra, phủ khắp các công trình là những chi tiết điêu khắc, hội họa  tinh xảo, trong đó có bức tường dài được trang trí bằng hình vẽ các câu chuyện của văn hóa dân gian Thái - Ramakien (là phiên bản Thái của sử thi Ấn Độ giáo Indian Ramayana).

Bên cạnh khu đền Phật Ngọc là Hoàng cung Thái. Mặc dù chỉ được nhìn từ bên ngoài, các công trình này dễ thấy có sự giao thoa của kiến trúc cổ điển phương tây (cách bố cục, các chi tiết trang trí, vật liệu) và kiến trúc bản địa ( hệ thống mái Thái).

Phố người Hoa

Chùng tôi đến khu phố người Hoa vào tối ngày thứ hai của hành trình. Là khu vực có sự giao thoa giữa văn hóa Hoa - Thái, khu phố người Hoa mang đến nhiều thú vị. Giữa lòng đô thị, khu phố khác biệt hẳn với một loại những biển hiệu Hoa ngữ đặc trưng, xếp dày đặc và lên đèn sặc sỡ. Trời càng tối, không khí càng tấp nập, dòng người đổ về đây càng nhiều, xếp thành những hàng dài, phủ kín các quán ăn ven đường, nhà hàng Trung Quốc.


Nhóm HHD trong chuyến tham quan học tập tại Thái Lan - phần thưởng cho giải Nhì Bim 2018

NGÀY THỨ BA

Ngày thứ ba là một trải nghiệm khác về Bangkok, với nhịp sống đô thị hiện đại. Điểm đến hôm nay là hệ thống các trung tâm thương mại, giải trí, siêu thị nằm ngay trung tâm của thành phố.

Khu Siam

Khu Siam nằm ngay trung tâm thành phố, rất dễ dàng di chuyển đến nhờ hệ thống tàu điện. Ấn tượng đầu tiên về khu vực này là sự khéo léo của người Thái trong cách quy hoạch toàn khu. Một hệ thống rất nhiều các siêu thị và trung tâm thương mại nằm cạnh nhau, cực kỳ rộng lớn được kết nối lại với nhau bởi các nhà ga tàu điện ngầm, trạm xe buýt, các hệ thống đường đi bộ trên cao, quảng trường trên cao. Nhờ cách sắp xếp này, dường như luồng người đi bộ đến đây bị thu hút vào các trung tâm thương mại nhiều hơn.

Chúng tôi di chuyển nhanh và cố gắng đi hết các trung tâm trong hệ thống này, bao gồm Siam center, Siam paragon, Siam discovery, MKB center, Central world,...Mỗi trung tâm đều mang một nét riêng và liên kết lại với nhau rất khéo léo.

Ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến Terminal 21, nằm cách Siam một ga điện ngầm. Terminal 21 được thiết kế theo concept của một chuyến du lịch, mà trong đó mỗi tầng là một điểm đến nổi tiếng. Không gian mỗi tầng mở ra với thiết kế không gian bến cảng San Francisco, hay phố Tokyo, hay những dãy chợ Istanbul, xe buýt hai tầng ở Luân Đôn, rồi không gian Roma, Paris,..

NGÀY THỨ TƯ

Ngày thứ tư cũng là ngày cuối cùng khép lại với hai chuyến tham quan đến bảo tàng Tự nhiên Bangkok và bảo tàng Nghệ thuật đương đại.

Bảo tàng Nghệ thuật đương đại

Bảo tàng nghệ thuật đương đại là điểm đến cuối cùng của hành trình, và là công trình gây nhiều ấn tượng với chúng tôi nhất. Nằm ờ khá xa trung tâm thành phố, công trình của kiến trúc hiện đại này là nơi trưng bày của hàng loạt các tác phẩm hội họa và điêu khắc của các tác giả đương đại. Bắt đầu với một sảnh lớn đầy ánh sáng, lối đi dẫn dắt chúng tôi đi qua các tầng, với mỗi tầng là một không gian trưng bày các chủ đề riêng của nền nghệ thuật đương đại Thái Lan.

Các tác phẩm ở đây ngoài khai thác các chủ đề của văn hóa truyền thống, còn có các tác phẩm thuộc đề tài lịch sử, thời sự, biếm họa, hay có cả các bộ sưu tập quốc tế. Điều gây nhiều sự thú vị nhất là không gian trưng bày ba bức The Three Kingdoms ( Heaven, Middle, Hell). Lối đi dẫn dắt từ một cánh cửa nhỏ, xuyên qua khoảng tối với các chòm sáng của dãy ngân hà, không gian mở ra rộng và sáng, với tâm điểm là ba bức tranh The Three Kingdoms.

Chuyến thăm quan bốn ngày tại Bangkok không chỉ đơn thuần là một giải thưởng. Với chúng tôi, đây thực sự là một bài học, là cơ hội để mở mang tầm nhìn, tiếp thu kiến thức mới theo cách thức chân thực nhất. Cảm ơn những người thầy, người bạn đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt cuộc hành trình.

Cảm ơn cuộc thi Bim Archicad vì những trải nghiệm thú vị và bổ ích.

Nguyễn Văn Hiếu - Ngô Văn Huân - Trần Anh Duy [nhóm HHD]

 Vòng chung kết Cuộc thi thiết kế ứng dụng công nghệ ARCHICAD BIM 2018 diễn ra sôi nổi tại Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh vào ngày 22/6/2018

Giải Nhất Cuộc thi thiết kế ứng dụng công nghệ ARCHICAD BIM 2018 đã thuộc về nhóm P2D gồm các sinh viên: Nguyễn Hoàng Phúc, Vũ Thị Mỹ Duyên, Huỳnh Duy (Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh).

Đồng thời, Ban tổ chức còn trao 01 giải Nhì cho nhóm HHD (Ngô Văn Huân, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Anh Duy) và 01 giải Ba cho nhóm CPN (Hà Tấn Phát, Phùng Tấn Cường, Trần Hồ Hạo Nhiên).

Những đội thắng giải năm nay được tham quan thực tế tại Nhật, Thái Lan, đồng thời có cơ hội thực tập tại các công ty thiết kết Kiến trúc ứng dụng công nghệ BIM.

Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh